Những năm cuối thập kỷ 80, Giám đốc Audemars Piguet khi đó là ông Stephen Urquhart đã giao cho nhà thiết kế trẻ Emmanuel Gueit dự án tạo ra phiên bản Royal Oak mới có kích cỡ lớn hơn nhằm hướng đến nhiều khách hàng trẻ tuổi từ đó mở rộng rộng thị phần cho Royal Oak. Gueit cần một thiết kế mạnh mẽ chỉ dành riêng cho cánh mày râu. Ở độ tuổi 22, Gueit đã mang tuổi trẻ và trí tưởng tượng vào làm mới một huyền thoại.
Ngay khi xuất hiện, Royal Oak Offshore được gắn với biệt danh “The Beast” – Quái thú, và mọi người đều quả quyết rằng đây là thất bại của Audemars Piguet và rằng sẽ không ai mua Royal Oak Offshore.
Khi trình làng, ngay lập tức Royal Oak Offshore với kích thước 42mm nhận vô vàn lời chê bai, đặc biệt nhà thiết kế Gerald Genta không ngại nói rằng: “Royal Oak Offshore đã phá huỷ đứa con của tôi”. Giới mộ điệu khi đó gọi tác phẩm này bằng biệt danh The Beast – Quái Thú. Thế nhưng không ít lâu sau, đây lại trở thành một trong những bộ sưu tập chủ chốt, giúp Audemars Piguet tạo ra một khái niệm mới trong ngành đồng hồ: những chiếc đồng hồ thể thao đích thực. Những người chơi đồng hồ chắc chắn nên dành lời cảm ơn cho sự kiên định và niềm tin mà Gueit đặt cược vào đây.
Nam diễn viên Arnold Schwarzengger chọn Royal Oak Offshore cho outfit trong phim “Ngày tận thế”.
Khi cầm một chiếc Royal Oak Offshore trên tay, chắc chắn chủ nhân sẽ thấy quen thuộc với viền bezel bát giác đặc trưng và mặt Petite Tapisserie, như lời khẳng định về dòng dõi gia đình. Khắc hoạ tiết Tapisserie là kỹ thuật chế tác thủ công lâu đời của nhà Audemars Piguet khi dùng các mũi kim loại để khắc lên mặt đồng hồ những hoạ tiết hình vuông diện tích đều đặn siêu chính xác, tạo nên hiệu ứng tinh tế.
Bề mặt Tapisserie của Royal Oak đã làm nên dấu ấn đặc sắc riêng biệt.
Sự hấp dẫn của Royal Oak hay Royal Oak Offshore còn nằm ở độ hoàn thiện tinh xảo. Kỹ nghệ đánh bóng trải xước tạo những đường nét lượn mượt mà trên bề mặt tương phản với những góc vát bóng bẩy. Đây luôn là một thách thức làm chủ kỹ thuật mà Audemars Piguet không ngần ngại áp dụng để đạt được tính thẩm mỹ hoàn hảo trên những dòng đồng hồ sau này.
Sự tương phản trong từng chi tiết, đường nét nhỏ nhất tạo nên sức hấp dẫn của dòng đồng hồ Royal Oak.
Điểm khác biệt đầu tiên nằm ở kích thước. Nếu như bảfn Royal Oak đầu tiên có kích thước 39mm sở hữu độ mỏng thanh lịch thì Royal Oak Offshore lại mang đường kính 42mm và diện mạo xù xì, mạnh mẽ nhắm tới những quý ông thượng lưu Đông Âu và châu Mỹ. Tuy mang nhiều hoài nghi nhưng đây là thách thức đặt nhiều kỳ vọng. Ngày nay, kích thước mặt đồng hồ 42mm đã trở nên phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ. Đây có thể nói là bước đầu thay đổi thẩm mỹ và nhận thức về đồng hồ thể thao đích thực trong giới đam mê đồng hồ xa xỉ.
Hai chiếc đồng hồ Royal Oak nguyên bản (trái) và Royal Oak Offshore (phải).
Mỗi thử nghiệm đưa những chiếc Royal Oak Offshore đi xa hơn với điểm xuất phát nhưng đều tiếp nối những nền tảng đã giúp mẫu đồng hồ này sống sót và thành công. Nếu không có Royal Oak Offshore, có lẽ chúng ta không thấy diện mạo ngành đồng hồ như hiện nay. Điều này cũng giải thích vị thế và sức ảnh hưởng khỏi phải bàn cãi của Audemars Piguet trong làng đồng hồ thế giới giai đoạn mấy chục năm qua, cũng như ở thời điểm này, đây là thương hiệu đồng hồ cao cấp duy nhất trên thế giới còn được điều hành bởi hậu duệ đời thứ tư của hai dòng họ sáng lập: Audemars và Piguet.
Royal Oak Offshore là chiếc đồng hồ thể thao đích thực luôn đi cùng với tính năng phức tạp Chronograph.
Các vạch chỉ giờ trắng được phủ lumi, dạ quang trong điều kiện thiếu sáng. Viền bezel trong có thêm viền chỉ tachymeter giúp thiết kế thêm hài hoà, tinh tế.
Cỗ máy mà Royal Oak Offshore sử dụng là bộ 3126/3840 chronograph cấu thành từ 365 chi tiết, rung động ở tần số 21.600 vph và có khả năng dự trữ năng lượng lên đến 50 giờ.